Sunday, July 9, 2017

Cả hai vụ việc ở Bình Thuận - nhận chìm hơn 1 triệu tấn vật chất xuống biển và khai thác titan - nếu chỉ nghe từ phía cơ quan chức năng, có vẻ mọi việc đều ổn cả.

Không chấp nhận 'chuyện đã rồi'

TTO - Cả hai vụ việc ở Bình Thuận - nhận chìm gần 1 triệu tấn vật chất xuống biển và khai thác titan - nếu chỉ nghe từ phía cơ quan chức năng, có vẻ mọi việc đều ổn cả.
Câu chuyện môi trường đang nóng lên ở Bình Thuận khi Bộ Tài nguyên môi trường cho phép Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu tấn vật chất gần khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau (Tuy Phong) và vấn đề quy hoạch, khai thác titan đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch của tỉnh này.
Cả hai vụ việc, nếu chỉ nghe từ phía cơ quan chức năng, có vẻ mọi việc đều ổn cả. Thế nhưng khi đưa ra bàn thảo, góp ý, câu chuyện lại rất khác.
Lý giải việc cho phép nhận chìm vật chất ở vị trí nhạy cảm, đại diện ngành chức năng cho rằng gần 1 triệu mét khối này không thể đổ trên đất liền vì gây nhiễm mặn. Rồi đó là vật chất của biển thì trả lại cho biển, chứ không phải là chất thải.
Cơ quan cấp phép, chủ nguồn vật chất đều khẳng định rằng quy trình làm chặt chẽ, kỹ càng và cam kết bồi thường nếu xảy ra sự cố.
Nhưng người dân, chính quyền địa phương có cơ sở để lo ngại. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhận chìm vật chất nhưng khối lượng quá lớn có thể làm dày đáy biển nơi nhận chìm thêm 3 - 7 mét.
Xung quanh khu vực cảng được nạo vét có nhiều người dân sinh sống bằng nghề nuôi tôm giống, nuôi cá bè. Hòn Cau cũng đang hồi sinh...
Trong cuộc họp ngày 7-7, hàng loạt góp ý như các điểm quan trắc trước, trong và sau khi nhận chìm vật chất quá ít; thời gian quan trắc ngắn - chỉ ngay sau khi nhận chìm xong; khi vận chuyển vật chất sẽ tạo ra phốt pho... đã được nêu ra và cơ quan chức năng phải ghi nhận.
Tại sao trước khi cấp phép, bộ không đưa ra cộng đồng để góp ý nhằm tìm ra những phương án tối ưu, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, cộng đồng? Phải chăng ngành chức năng muốn “chuyện đã rồi”?
Như một lãnh đạo tỉnh Bình Thuận nói rằng “cuộc họp là để bàn tổ chức thực hiện giấy phép cho an toàn, vì giấy phép đã cấp rồi”.
Còn trong tọa đàm ngày 8-7 về quy hoạch và khai thác titan tại Bình Thuận, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra sự “ảo tưởng” về trữ lượng titan tại Bình Thuận mà chưa cân nhắc hết những mặt trái của nó.
Thực tế, khai thác sa khoáng titan đã và đang gây ra những hệ lụy về môi trường. Đã có hồ chứa bùn thải bị vỡ nhiều lần. Những đồi cát chắn gió, sóng dọc biển Bình Thuận sẽ biến mất và tiến ngày càng sâu vào đất liền nếu bị phá đi để khai thác titan.
Nhiều nhà khoa học đã thất vọng vì cách làm quy hoạch của ngành chức năng khi chỉ ra mỗi vùng được quy hoạch khai thác đều gắn liền với tên doanh nghiệp khai thác. Có nhà khoa học nói rằng trong quy hoạch, cơ quan quản lý đã chạy theo doanh nghiệp.
“Khi hậu quả xảy ra, chỉ có người dân gánh chịu”, một nhà khoa học lên tiếng.
“Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế” - nguyên tắc đó đi vào cuộc sống khi có sự tham vấn của cộng đồng, của những người dân trực tiếp sinh sống, làm ăn trong môi trường ấy. Và đặc biệt, môi trường không bị đem ra đánh đổi chỉ khi mọi tính toán được thực hiện trên cơ sở khoa học chứ không phải từ tính toán và lợi ích của 
một nhóm người.
Hãy hành xử có trách nhiệm khi thực hiện các dự án tác động đến môi trường. Và hãy tin rằng, những thủ thuật, phù phép để che giấu mặt trái của các dự án có thể xâm hại đến môi trường sẽ sớm bị lột bỏ, bởi chân lý không đánh đổi môi trường lấy kinh tế là bất di bất dịch.
Đông Hà

No comments:

Post a Comment