Saturday, May 2, 2015

Nghĩ vụn về hoà hợp - hoà giải dân tộc

https://www.facebook.com/drtuanvnguyen/posts/1436139590032496


Nghĩ vụn về hoà hợp - hoà giải dân tộc

Mới đây, ông Nguyễn Thiện Nhân có kêu gọi đồng hương ở nước ngoài, nếu ai chưa về thăm VN thì nên về một lần cho biết, vì đất nước đã khá lên rồi. Tôi không nghi ngờ gì thiện chí của ông Thiện Nhân cả, vì tôi nghĩ ông nói thật lòng. Nhưng tôi chỉ cảm thấy phân vân những từ ngữ ông dùng, vì tôi sợ những từ ngữ đó có thể làm cho nhiều người hiểu lầm ông xát muối vào vết thương chưa lành.
Trong bài kêu gọi (1), ông Thiện Nhân nói về những ngày tháng ông tập kết ra Bắc và được đồng bào ngoài đó nuôi lớn, rồi ông 2 lần nhắc lại lời của cụ Hồ về đoàn kết. Nếu ai chỉ đọc lướt qua thì thấy những lời đó có vẻ cảm động, và như thế thì kĩ năng tuyên truyền của ông Thiện Nhân cũng khá đạt. Nhưng nếu đọc kĩ những lí giải trong đó tôi thấy hình như ông lí giải chưa thuyết phục. Chẳng hạn như ông nói rằng chúng ta chẳng có ai gặp Vua Hùng, nhưng chúng ta vẫn làm ngày Giỗ cho các vị ấy, thì tôi thấy nó hơi lạc đề và … nguỵ biện. Tôi có thể mượn cách nói đó để nói thế này: Nhiều người chưa gặp Mao Trạch Đông và Stalin (những tay đồ tể) mà vẫn thờ họ như thờ tổ tiên. Nếu ông Người Tốt nghe câu đó không vào tai thì ông cũng phải nhìn nhận rằng cách nói của ông cũng rất khó thuyết phục nhiều người.
Nói chuyện hoà hợp hoà giải mà mang ông cụ Hồ ra thì tôi nghĩ không phải là một “good idea” (ý tưởng hay). Ông cụ Hồ là nhân vật lịch sử, và là người của một phe trong cuộc chiến. Điều đó có nghĩa là rất nhiều người bên phe kia không chấp nhận quan điểm và việc làm của ông cụ Hồ, và đó là một thực tế. Vậy thì tại sao lại lấy lời ông cụ ra để nói về hoà hợp hoà giải? Ngay cả câu nói của ông (“Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi”) rất chung chung, chẳng có dính dáng gì với bối cảnh hiện nay là hoà hợp, hoà giải hai bên trong cuộc chiến. Thật tình mà nói, câu đó cũng chẳng có cái tính “wisdom” hay thông thái gì để trích dẫn.
Nhưng câu nói của ông Thiện Nhân có thể làm nhiều người cảm thấy không hài lòng và khó chấp nhận là “Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ.” Câu hỏi đặt ra ở đây là “ta” là ai? Không nói ra thì chắc ai cũng biết “ta” ở đây là chính quyền, là những người mà Huy Đức gọi là “bên thắng cuộc”. Muốn bắt tay làm hoà với người anh em mà còn nói theo kiểu bề trên ban phát ân huệ thì thật là không phải. Ai lầm đường lạc lối? Khó có thể nói những người theo “quốc gia” và không theo cộng sản là lầm đường lạc lối được. Ngay cả ông cụ Hồ còn công nhận rằng ông Ngô Đình Diệm là người yêu nước theo cách riêng của ông ấy kia mà. Một khi anh đã chọn cho mình cái vị trí đạo lí để phán xét người khác thì rất khó có thể đem lại kết quả hoà hợp hoà giải được.
Quay lại lời kêu gọi đồng bào hải ngoại nên về thăm nước của ông Thiện Nhân. Như tôi nói, tôi nghĩ là ông thật lòng khi nói ra câu đó. Tôi cũng nghĩ nhiều quan chức trong chính quyền cũng thật lòng khi kêu gọi bà con ở ngoài về Việt Nam. Nhưng khổ nỗi là có những chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Trong thời gian qua, đã có vài trường hợp người Việt ở nước ngoài được cấp visa về thăm Việt Nam, nhưng về đến phi trường thì không được cho vào. Tôi không rõ ông Thiện Nhân có biết những trường hợp như thế? Tôi nghĩ đối với những người bị ngăn chận không cho vào Việt Nam sẽ rất dè dặt với lời kêu gọi của ông Thiện Nhân.
Cấm một người không cho về nước là một điều ghê gớm. Quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, là rất thiêng liêng với một con người. Cướp đi cái thiêng liêng đó là một cách hành xử phi đạo lí. Người ra quyết định từ chối không cho đồng hương về thăm quê hành xử như họ là chủ nhân của đất nước Việt Nam. Nhưng có lẽ đó là một suy nghĩ sai và một sự ngạo mạn, bởi vì đất nước Việt Nam là của mọi người con Việt, chứ không có ai là độc quyền chủ nhân đất nước cả.
Nói tóm lại, tôi cũng như mọi người khác nghĩ rằng cần phải có một sự hoà hợp – hoà giải dân tộc. Thật ra, nếu ở một nước văn minh khác thì việc này (hoà hợp – hoà giải) đã xảy ra từ 40 năm trước, chứ không phải chờ đến 40 năm sau mới bắt đầu nói đến. Nhưng sẽ rất khó có hoà hợp – hoà giải khi mà một bên vẫn còn hành xử một cách trịch thượng hay phát ngôn như là những người thắng cuộc ban ân huệ cho người thua cuộc. Trong thực tế thì tất cả người Việt, bên thua cũng như bên thắng cuộc, đều là nạn nhân.
====
(1) http://vietnamnet.vn/…/sau-40-nam-ai-chua-ve-que-huong--hay…

No comments:

Post a Comment