Friday, February 7, 2014

Hoãn điện hạt nhân: Kinh tế phục hồi vẫn còn dư điện! Bỏ điện hạt nhân cho rồi!


http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hoan-dien-hat-nhan-kinh-te-phuc-hoi-van-con-du-dien-3000548/

Hoãn điện hạt nhân: Kinh tế phục hồi vẫn còn dư điện!
"Trong cân đối năng lượng từ nay đến năm 2020 chưa cần đến điện hạt nhân. Đó là chưa tính đến lượng lớn điện năng còn đang sử dụng rất lãng phí. Do vậy chúng ta thực sự chưa cần đến điện hạt nhân”.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã chia sẻ với Đất Việt quan điểm trong việc sử dụng điện năng tại Việt Nam. Bằng chuyên môn của mình ông Ngãi nói thẳng là từ nay đến năm 2020 Việt Nam có đủ nguồn cung năng lượng mà chưa cần phải nghĩ tới điện hạt nhân.
Vẫn cân đối được
Bàn về câu chuyện Thủ tướng nói có thể dừng việc khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân tới năm 2020 thay vì khởi công vào năm 2014, ông Ngãi cho rằng đây là quyết định đúng.
Theo ông Ngãi, làm điện hạt nhân không hề đơn giản bởi nó liên quan đến rất nhiều thứ, từ công nghệ, môi trường và hàng loạt các công đoạn khác nữa.
 “Hơn nữa công tác chuẩn bị không kịp nên phải lùi lại đến năm 2020 là đúng. Thêm nữa, trong cân đối năng lượng Việt Nam chưa cần đến điện hạt nhân”, ông Ngãi nói.
Trong cân đối năng lượng Việt Nam chưa cần đến điện hạt nhân
Trong cân đối năng lượng Việt Nam chưa cần đến điện hạt nhân
Ông Ngãi tính toán, từ nay đến năm 2020 sẽ có một số dự án điện quan trọng có thể đủ cấp điện cho miền Nam gồm Nhiệt điện Long Phú 1, Long Phú 2, Sông Hậu, Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4... với công suất tăng thêm gần 10.000 MW.
Còn tại miền Bắc nếu kinh tế phát triển lên thì vẫn đủ điện bởi hiện tại đang là thừa điện.
Hiện miền Bắc đang có thủy điện Hòa Bình, Sơn La sắp tới có Lai Châu và hàng loạt nhà máy thủy điện lớn có thể đủ cho miền Bắc và miền Trung. Rồi còn nhiệt điện Cẩm Phả (Quảng Ninh), nhiệt điện Hải Phòng… cũng rất lớn.
“Nói chung nhu cầu từ nay đến 2020 Việt Nam có thể cân bằng năng lượng được. Từ nay đến năm 2020 miền Nam sẽ được đảm bảo đủ điện, thậm chí còn dư 20% nguồn dự phòng, nên không quá lo ngại về nguồn cung điện và cũng chưa cần đến điện nguyên tử”, ông Ngãi khẳng định.
Một lượng lớn điện bị lãng phí
Ngoài chuyện cân đối nguồn cung, ông Ngãi còn phân tích thêm về việc một lượng lớn điện năng đang bị lãng phí quá mức.
Tại các cơ sở sản xuất, tỷ trọng chi phí điện năng trong cơ cấu giá thành một đơn vị sản xuất của Việt Nam cao gấp 3- 4 lần các nước tiên tiến. Ví dụ: Chi phí điện năng để sản xuất ra 1 kg thép của Việt Nam gấp 4 lần Hàn Quốc. Như vậy, việc sử dụng năng lượng điện trong công nghiệp của Việt Nam rất lãng phí.
“Bất kỳ quốc gia nào cũng phải làm tiết kiệm năng lượng. Ở Việt Nam cường độ tiêu thụ điện lớn và mất đi lượng điện cũng rất lớn. Nếu tiết kiệm được một năm để ra hàng chục tỉ kwh điện sẽ đỡ lãng phí hơn rất nhiều. Phải phấn đấu tiết kiệm năng lượng thay vì nghĩ tới chuyện đầu tư các dự án mới”, ông Ngãi nói.
Những kiểu lãng phí điện như thế này không khó tìm, trong khi hoàn toàn có thể tiết kiệm được thay vì đầu tư lượng tiền lớn vào một dự án sản xuất điện năng
Những kiểu lãng phí điện như thế này không khó tìm, trong khi hoàn toàn có thể tiết kiệm được thay vì đầu tư lượng tiền lớn vào một dự án sản xuất điện năng
Cũng đưa ra quan điểm tương tự, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh cho rằng: chúng ta đang tồn tại mâu thuẫn, trong lúc nhu cầu điện tăng trưởng trung bình 10-15%/năm thì mức lãng phí điện cũng vô cùng lớn. Hiệu suất sản xuất điện thấp (ngoại trừ một số nhà máy điện đầu tư mới đây), tổn thất truyền tải và cuối cùng là việc sử dụng không hiệu quả lớn gấp nhiều lần con số nhu cầu.
Theo ông Tước, cơ cấu kinh tế của chúng ta cũng có vấn đề khi chủ yếu gia công và sử dụng nhiều tài nguyên. Trong phân công sản xuất thế giới, các công ty nước ngoài dần chuyển các nhà máy sử dụng nhiều tài nguyên, trong đó có năng lượng sang Việt Nam. Một thời gian dài, Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư thép, xi măng, thủy tinh.
“Chỉ 2 lĩnh vực thép và xi măng đã tiêu thụ hơn 12% sản lượng điện Việt Nam”, ông Tước lý giải.
Theo ông Tước, khi phân tích nguyên nhân lãng phí năng lượng, kết quả cho thấy, mức lãng phí của Việt Nam cao từ 1,5 - 6 lần so với thế giới chủ yếu do công nghệ lạc hậu và trình độ tổ chức sản xuất. Lãng phí của chúng ta bắt đầu từ thiết kế đến lựa chọn công nghệ cho đến vận hành.
Các tổng hợp của Bộ Công thương, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP),.. và của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC) cho thấy mức lãng phí của Việt Nam rất cao, từ 10-50% theo từng ngành.
Từ thực tế này, ông Ngãi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể cân đối nhu cầu năng lượng đến năm 2020 mà không cần phải phụ thuộc vào điện hạt nhân.
Được biết, năm 2014, Hiệp hội năng lượng Việt Nam sẽ kết hợp với Ban kinh tế trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước phát động phong trào tiết kiệm năng lượng lớn trên toàn quốc và tổ chức trao giải.
“Đây sẽ là hình thức khuyến khích các doanh nghiệp và cộng đồng cùng tham gia tiết kiệm năng lượng. Chúng ta có nhiều cách để cân đối năng lượng”, ông Ngãi cho biết.
Bích Ngọc

No comments:

Post a Comment