Wednesday, September 4, 2013

Rò rỉ Fukushima : Tokyo nên nhờ quốc tế trợ giúp

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130904-fukushima-nhieu-tieng-noi-yeu-cau-tokyo-nho-quoc-te-tro-giup

Rò rỉ Fukushima : Tokyo nên nhờ quốc tế trợ giúp
    
Theo Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản, độ phóng xạ lên tới mức kỷ lục  - REUTERS /Nuclear Regulation Authority
Theo Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản, độ phóng xạ lên tới mức kỷ lục - REUTERS /Nuclear Regulation Authority

Trọng Thành
Hôm nay, 04/09/2013, nhiều tiếng nói trong giới doanh nghiệp Nhật Bản cất lên đòi hỏi chính quyền phải kêu gọi trợ giúp từ các tổ chức chuyên gia nước ngoài để khắc phục nạn rò rỉ phóng xạ tại Fukushima. Trong lúc đó, mức phóng xạ đo được tại khu vực nhà máy bị thảm họa  được thông báo là ở mức kỷ lục.
Trong số những tiếng nói yêu cầu Tokyo lên tiếng nhờ trợ giúp, có ông Takuya Hattori - cựu giám đốc nhà máy hạt nhân Fukushima-Daiichi, chủ tịch Diễn đàn các nhà công nghiệp Nhật về năng lượng nguyên tử. Theo ông Takuya Hattori, Fukushima không phải là trường hợp duy nhất, để xử lý được vấn đề nước ngầm bị nhiễm phóng xạ, cần phải huy động các hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Cựu giám đốc nhà máy hạt nhân Fukushima-Daiichi ghi nhận trong hiện tại rò rỉ phóng xạ đạt đến mức cao nhất kể từ thảm họa động đất – sóng thần 2011 và những nỗ lực của Tepco cho đến nay không hiệu quả. Ông Takuya Hattori cũng kêu gọi chính phủ nhờ đến sự trợ giúp của các tổ chức và chuyên gia nước ngoài trong các hoạt động khắc phục hậu quả khác, như tháo dỡ các lò phản ứng.
Xã luận nhật báo Nikkei, tờ báo nổi tiếng của giới doanh nghiệp Nhật, khẳng định : « Nhà nước cần phải tăng cường tính khả thi và hiệu quả của các biện pháp chống lại rò rỉ phóng xạ bằng việc huy động tối đa các công nghệ nước ngoài ».
Trong những ngày gần đây, tình trạng thê thảm tại Fukushima lại trở thành chủ đề chính trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản do thông tin về sự xuất hiện dồn dập của các rò rỉ ở những bồn chứa nước nhiễm phóng xạ nặng, sau khi đã được dùng làm nguội các lò phản ứng.
Hiện tại, ở Fukushima-Daiichi, có khoảng 400.000 tấn nước chứa nhiều phóng xạ các loại như cesium, strontium, tritium…, được chứa trong khoảng 1.000 bồn và dưới mặt đất. Khối lượng nước này tăng lên mỗi ngày khoảng 400 tấn. Bên cạnh đó, khoảng 300 tấn nước ngầm nhiễm phóng xạ từ nhà máy chảy xuống biển Thái Bình Dương mỗi ngày.
Mức phóng xạ lập kỷ lục mới
Hôm nay, NRA - Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản – thông báo ghi nhận được một số kỷ lục mới trong nồng độ phóng xạ đo được tại một số nơi cạnh các bồn chứa nước tại nhà máy Fukushima. Theo đó, mức độ phóng xạ hôm nay là khoảng 2.200 mSv, vượt 20% so với lần đo trước, vào thứ Bảy 31/08. Đây là mức phóng xạ gây tử vong đối với những ai không có đồ bảo hộ mà lưu lại một vài giờ tại khu vực này.
Hôm qua, Tokyo tuyên bố dành 47 tỷ yen (khoảng 360 triệu euro) cho chiến dịch khẩn cấp trám rò rỉ và xử lý nước nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, dự kiến các hoạt động tốn kém để khắc phục hậu quả này sẽ phải kéo dài nhiều năm.
Điều tra về Fukushima bị hoãn do Nhật đăng cai Thế Vận Hội 2020
Vào tuần trước một ủy ban điều tra Quốc hội Nhật về các rò rỉ mới tại Fukushima đã hoãn chương trình làm việc tới giữa tháng 9.
Theo nhật báo Asahi Shimbun, quyết định này là do các vận động hậu trường trong chính giới để tình hình Fukushima không ảnh hưởng đến khả năng Nhật được chọn đăng cai tổ chức Thế vận hội 2020, mà kết quả chính thức sẽ được thông báo vào thứ Bảy tuần này tại Buenos Aires.
Nhiều người lo ngại là nếu Tokyo được chấp thuận đăng cai Olympic 2020, thông tin về Fukushima sẽ có xu hướng bị bóp méo.

No comments:

Post a Comment