Friday, June 28, 2013

NHÌN CẦU NHẬT TÂN, RỞN TÓC GÁY KHI NGHỈ LẠI ĐIỆN HẠT NHÂN NINH THUẬN

https://caunhattan.wordpress.com/2013/06/28/tu-cau-nhat-tan-den-hau-qua-von-vay-nuoc-ngoai/

Từ cầu Nhật Tân đến hậu quả vốn vay nước ngoài

Mỗi khi kết thúc Hội nghị các nhà tài trợ, hàng chục năm qua, Việt Nam luôn hoan hỉ loan tin viện trợ ODA (đa số là vốn vay) cho Việt Nam năm sau tăng hơn năm trước với con số cam kết là hàng tỉ hàng tỉ USD, và lấy đó làm thành tựu chính trị. Ai cũng biết Nhật Bản luôn dẫn đầu, là nước cho Việt Nam vay tiền nhiều nhất và hầu hết ném vào xây dựng – lĩnh vực có mức độ tham ô lớn nhất. Hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay này vẫn là đề tài cấm kỵ tại cả hai quốc gia. Đã có một chút gợn sóng sau vụ PMU18, vụ hành lang Đông – Tây, vụ sập cầu Cần Thơ song những con sóng này đã nhanh chóng bị giới “buôn ODA” đứng sau dập tắp.
Nước Nhật hôm 25/6/2013 đã thực sự sốc bởi bài đăng tải trên nhật báo Asahi Shimbun xung quanh câu hỏi về viện trợ của Nhật Bản cho Việt Nam. Tác giả bài viết là giáo sư Ari Nakano (chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Nhật Bản về Việt Nam). Câu hỏi lớn nhất đặt ra là hiệu quả của cái gọi là “đối tác chiến lược” (bài báo để hai chữ này trong ngoặc kép) giữa Việt Nam và Nhật Bản trong giai đoạn tới được các chính trị gia hai nước đang miệt mài tô vẽ mà sau nó là nhiều chục tỉ USD tiền vay sẽ được chia đều cho từng công dân Việt Nam trả nợ. Lo ngại lớn nhất được tác giả đưa ra, minh chứng bằng dự án Bô-xít Tây Nguyên và dự án Nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận, là sự thiếu minh bạch, không có sự tham gia của người dân và các tổ chức phản biện độc lập. Vắng đi nền tảng này, các khoản vay chỉ đơn thuần là cuộc tiêu tiền xa xỉ, không mang lại những giá trị phát triển bền vững, thậm chí tổn hại đến lợi ích lâu dài của nước đi vay.
Thật vậy, tại dự án cầu Nhật Tân, trước khi khởi công, hàng nghìn dân ngay tại chân công trình chưa bao giờ được nghe tới cái tên, chứ chưa đề cập chuyện được tham gia vào quá trình chuẩn bị dự án xây dựng cây cầu tỉ USD này. Các công ty tư vấn của Nhật ăn theo khoản vay đứng sau đạo diễn tất tật với các vai diễn xuất sắc của một số quan chức trong bộ  máy chính quyền Việt Nam. Thế là để hợp thức việc tiêu một khoản tiền khổng lồ hàng tỉ USD, “tập đoàn lợi ích” – tạm gọi như vậy – bẻ cong quy hoạch, vẽ ra các báo cáo rất hay về lợi ích của cái gọi là mạng lưới giao thông mới với tâm điểm là cây cầu tỉ đô. Tập đoàn này thiết kế nhiều chuyến thăm lẫn nhau cho các quan chức nhằm làm ra vẻ có tí “chính trị” trong này. Nhiều đánh giá tác động, thuyết minh hiệu quả dự án được vẽ ra như thật. Lộ liễu nhất là màn lấy ý kiến người dân chịu tác động trong đó báo cáo rởm này loan ra rằng người dân nhất trí với các phương án mà tư vấn thiết kế đề xuất (sự thật là hoàn toàn ngược lại).
Kịch tính nhất của show diễn nằm ở màn kết – ký kết Hiệp định vay vốn. Chính trị gia hai bên cùng ký vào tờ giấy có giá trị tỉ đô rồi trao bút cho nhau, sâm banh nổ bùm bụp, đằng sau là các con buôn ODA với vẻ mặt vô cùng hoan hỉ. Cái nút chính của tờ giấy trên là: chỉ công ty của Nhật Bản được làm tổng thầu của gói vay tỉ đô. Đấu thầu ư? Chuyện vặt. Ba nhà thầu đều là quân xanh quân đỏ, “cổ cánh” với nhau thông thầu nâng giá lên gấp 5-10 lần giá trị thực tế là xong. Chính trị gia nước vay đứng sau sẵn sàng chấp nhận cái giá phi lý này. Thực tế là khoản này đã được “vo” trước khi ký hiệp định.
Triển khai dự án. Về lý thuyết, máy móc, trang thiết bị, vật liệu, con người, công nghệ là của Nhật với chất lượng Nhật, tiêu chuẩn Nhật nên đơn giá cũng phải cao như ở Nhật. Trên thực tế, toàn bộ công việc đều được ông tổng thầu Nhật giao cho các nhà thầu phụ Việt Nam và thi công với giá Việt Nam, với công nghệ Việt Nam, con người Việt Nam, vật liệu Việt Nam và … chất lượng Việt Nam. Các nhà thầu phụ Việt Nam, vốn đang đói việc, lao vào giành hợp đồng thầu phụ như thiêu thân, thậm chí sẵn sàng ký hợp đồng dưới giá thị trường để giữ quân, giữ máy – còn hơn để không và chịu hao mòn. Thậm chí có đơn vị ký xong hợp đồng liền bán luôn cho đơn vị khác kiếm tiền tươi thóc thật. Chất lượng công trình thì tính sau, cốt giành hợp đồng cái đã. Có hạng mục mà thực hiện một mét khối vật liệu trong công trình, đơn giá của tổng thầu Nhật được ký là 1000 USD, đến tay thầu phụ của thầu phụ Việt Nam chỉ còn ngót nghét 2 triệu VND (xấp xỉ 100 USD). Tổng thầu Nhật không phải làm gì mà tự nhiên được hưởng hơn 900 USD trên mỗi mét khối hạng mục này của công trình (ăn hơn 90%). Dĩ nhiên, khoản chênh này tổng thầu Nhật không ăn cả được mà phải chia theo danh sách đã có.
Nhờ có cái danh sách ăn theo dài đằng đẵng trên mà cầu Nhật Tân được đội lên gần 20.000 tỉ VND (gần 1 tỉ USD). Cùng là cây cầu vượt sông Hồng (dĩ nhiên quy mô có khác nhưng không nhiều), cầu Vĩnh Tuy sử dụng nguồn vốn trong nước chỉ tốn 3600 tỉ VND. Sau trượt giá và thất thoát đội lên thành 5500 tỉ VND.
Một điều mà cả ta và Nhật đều giấu ở công trình cầu Nhật Tân là tỉ lệ kinh tế nội hoàn (nếu tính chi tiết) thì hơn 50 năm công trình vẫn chưa thu hồi được vốn. Tức, nó sẽ hỏng trước khi hoàn vốn. Nói cách khác, làm cây cầu này chỉ mang lại giá trị âm, ngoại trừ được cái tiếng là Việt Nam có cây cầu to nhất Đông Nam Á và cái túi của giới buôn ODA cùng chính trị gia Việt được đút căng phồng. Hậu quả lâu dài là, cùng với nhiều khoản ăn vay khác, cầu Nhật Tân đang góp phần đắc lực khiến mỗi công dân Việt Nam dù mới chào đời đã được vinh dự khoác lên mình món nợ nước ngoài giá trị 4 con số.
Nguy hiểm hơn. Một cầu Cần Thơ, làm ăn bát nháo chỉ gây ra cái chết oan uổng cho vài chục mạng. Một cầu Nhật Tân làm ăn bố láo chỉ đem lại thiệt hại gần tỉ USD cho Việt Nam. Một nhà máy điện hạt nhân, với lối ăn xổi ODA cầu thả kiểu như trên sẽ giết chết nhiều triệu người, gây thảm họa lâu dài không những đối với nước ta mà cả khu vực và thế giới.

No comments:

Post a Comment