Monday, July 23, 2012

Nhật nóng lên vì biểu tình chống năng lượng hạt nhân


Nhật nóng lên vì biểu tình chống năng lượng hạt nhân
SGTT.VN - Ở thời điểm hiện tại, khi mà nỗi lo ngại của người dân về độ an toàn của năng lượng hạt nhân đang tăng cao thì việc khởi động lại hai lò phản ứng hạt nhân của chính phủ Nhật Bản có vẻ đã châm thêm ngòi cho các cuộc biểu tình.
Quyền lực của nhân dân không phải là cụm từ thường được nhắc tới khi nói về Tokyo. Vốn được xem là thành phố của sự kiệm lời và trầm lặng, nổi tiếng với hình ảnh của hàng ngũ làm công ăn lương chỉ biết có công việc, hiếm khi thấy Tokyo tổ chức các cuộc biểu tình lớn và nghiêm trọng.
Biểu tình lớn đã không còn là hình ảnh xa lạ với một Tokyo nổi tiếng trầm lặng và kiệm lời khi nỗi lo về độ an toàn của năng lượng hạt nhân đang tăng cao. Ảnh: Reuters

Chuyện đó đã thay đổi khi ngày 16.7 vừa qua, hàng chục ngàn người đã bất chấp cái nóng oi bức 30 độ C tụ tập trong công viên trung tâm Tokyo để tham dự một cuộc biểu tình với biểu ngữ “Giã biệt vũ khí hạt nhân”. Các nhà tổ chức cho biết có 170.000 người tham dự buổi biểu tình trong khi cảnh sát đưa ra con số chỉ khoảng 75.000. Dù là con số nào thì đây cũng là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân hồi tháng ba năm ngoái, nhiều người còn cho rằng nó là cuộc biểu tình lớn nhất trên đất nước mặt trời mọc trong nhiều thập kỷ qua.
Sự kiện này được lãnh đạo bởi một số nhà lãnh đạo lão thành có tiếng nói với Nhật Bản, mà điển hình là nhà văn Kenzaburo Oe, người từng đoạt giải Nobel. Những người ủng hộ tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân đánh giá cuộc biểu tình chỉ là làm sống lại các giá trị hoài cổ. Tuy nhiên suy nghĩ này nhanh chóng bị dập tắt khi ông Oe và công ty tổ chức đã thu thập được 7,5 triệu chữ ký phản đối năng lượng hạt nhân.
Báo cáo ba năm trước cuộc khủng hoảng Fukushima cho thấy đô thị đông đúc vào loại bậc nhất thế giới suýt nữa là không tránh khỏi thảm họa. Mặc dù loại bỏ năng lượng hạt nhân sẽ gây những tổn thất về kinh tế, nhưng nhiều người vẫn không ngừng đặt câu hỏi là liệu có 54 lò phản ứng hạt nhân ở một đất nước mà 1/5 các trận động đất mạnh trên thế giới xảy ra thường xuyên có phải là đang “đùa giỡn với tử thần”.
Nỗi sợ mang tên hạt nhân
Hàng ngàn người đi biểu tình tại Tokyo đều thấy lo ngại khi chính phủ tuyên bố khởi động lại hai lò phản ứng hạt nhân trong lúc những câu hỏi về an toàn và cấu trúc quản lý các mối đe dọa về thảm họa thiên nhiên vẫn còn bỏ ngõ. Ông Shinichiro Watanabe, một trong những người tham gia chống năng lượng hạt nhân cho biết “các bức xạ vẫn đang đầu độc chúng tôi, vậy mà họ lại mở cửa một số lò phản ứng trở lại, tại sao họ lại vội vàng như thế?”.
Người dân Nhật Bản không chỉ thể hiện nỗi sợ qua lời nói mà còn trong cả cách tiêu dùng của họ. Trước khi có thảm họa Fukushima, hầu hết người dân đều trung thành với gạo truyền thống, nhưng nay, những con số thống kê gần nhất của các cửa hàng bán lẻ cho thấy một lượng không nhỏ và ngày càng tăng các khách hàng và doanh nghiệp Nhật Bản đang quay lưng lại với sản phẩm gạo nội địa chất lượng cao, đắt đỏ và chuyển sang sản phẩm thay thế rẻ hơn từ Trung Quốc, Úc và Mỹ.
Sự hoang mang càng lớn khi tờ Asahi Shimbun đăng tin Build-Up, một nhà thầu phụ cho nhà điều hành nhà máy điện Fukushima Daiichi, đã bảo các công nhân đặt các tấm chắn chì lên trên thiết bị đo phóng xạ, nhằm làm giảm độ phóng xạ đo được khi có kiểm tra, nếu không, họ sẽ phải ngừng công việc.
“Không có sự lựa chọn nào khác”
Trả lời cho câu hỏi “tại sao lại vội vàng như thế” của nhân dân, chính phủ Nhật Bản đưa ra lời giải thích chính là vấn đề kinh tế. Kết thúc giấc mơ hạt nhân đồng nghĩa với việc tháo dỡ hàng trăm tỉ USD đầu tư vốn và lợi nhuận thu hồi từ ngành công nghiệp mà Nhật Bản đang đứng ở hàng lãnh đạo của thế giới. Việc tạm đình chỉ hầu như tất cả các lò phản ứng hạt nhân từ tháng 3.2011 đã khiến hóa đơn nhập khẩu dầu và khí đốt của nước này lên đến 100 triệu USD/ngày, lần đầu tiên trong ba thập kỷ Nhật Bản xuất hiện thâm hụt thương mại.
Nói về quyết định của mình, thủ tướng Yoshihiko Noda, cho biết rằng ông “không có sự lựa chọn nào khác”. Ông Noda được sự hậu thuẫn từ tờ Yomiuri Shimbun, tờ báo lớn nhất nước cùng doanh nghiệp vận động hành lang mạnh nhất, Keidanren, đã nhiều lần đưa ra dự đoán tồi tệ về tương lai Nhật Bản khi không có các lò phản ứng hạt nhân. Dĩ nhiên, những cảnh báo này chỉ thuyết phục được một số tập đoàn Nhật Bản trong việc thúc đẩy năng lượng hạt nhân.
Sự tin tưởng dành cho chính phủ đang dần suy yếu, hơn thế nữa đảng “Vì cuộc sống nhân dân đầu tiên” được ông Ichiro Ozawa cùng 48 nghị sĩ khác thành lập ngày 11.7 để phản đối chính sách của đảng cầm quyền đang gây cho ông Noda nhiều áp lực. Thật may cho ông vì cho đến nay công chúng vẫn chưa quan tâm nhiều đến Đảng đối lập mới với những chính sách chống năng lượng hạt nhân. Người biểu tình mỗi tối thứ sáu lại xuống đường và vây quanh nơi ở của ông Noda, các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, nhưng câu hỏi còn đau đáu là “Được bao lâu?”
Ngọc Khanh (Economist, BBC, Reuters, NY Times)

No comments:

Post a Comment