Sunday, January 2, 2011

CẦN NGƯỜI LÃNH ĐẠO CÓ HÙNG TÂM CHO MỘT VIỆT NAM MỚI.

Ai sẽ là người anh hùng Việt của thời đại mới có thể cứu Việt Nam thoát khỏi sự nuốt chửng của đế quốc bá quyền Trung Quốc.

Những ai đã nghiên cứu lịch sử nhân loại đều có thể đồng ý rằng sự an nguy của một quốc gia trong giai đoạn nguy cấp tùy thuộc vào khả năng của người lãnh đạo đương nhiệm. Loài người là sinh vật sống tập thể. Con người sinh hoạt theo nhóm và tuân thủ theo các điều lệ và luật pháp của tập thể. Người lãnh đạo có thẩm quyền đối với các cá nhân trong xã hội. Do đó hành động của những người lãnh đạo sẽ ảnh hưỡng đến sự an nguy, tương lai và đôi khi sự tồn vong của cả cộng đồng. Điều đương nhiên là những người lãnh đạo là người rất quan trọng đối với tập thể dù là nhìn theo những lý thuyết tương phản nhau như Thuyết Đaị Nhân (Great Man Theory) cuả Thomas Carlyle hoặc Thuyết Xã Hội Học Chuẩn Định (Social Determinism) của Herbert Spencer. Sự thật hiển nhiên là hành động của những người lãnh đạo đều trực tiếp ảnh hưởng đến tương lai của đất nước trong trước mắt và lâu dài, bất kể là sự lãnh đạo đến từ chế độ quân chủ chuyên chính, dân chủ, độc tài quân phiệt hay ngay cả độc tài cộng sản.
Vấn đề then chốt hay cốt lõi là khả năng của những người lãnh đạo khi giải quyết các nhu cầu của người dân, sự an nguy của đất nước.
Chúng ta hãy lấy vài thí dụ về ảnh hưởng cuả người lãnh đạo trong những thế kỷ gần đây.
Vào đầu thế kỷ 18, Nga Hoàng Đaị Đế Phe Rơ (Peter The Great) thi hành chánh sách canh tân và mở rộng đất đai, đã hoàn toàn biến đổi đất nước Nga trở thành một đế quốc rộng 3 tỷ mẫu, và là một cường quốc của Âu Châu.
Thế kỷ thứ 20 cho chúng ta thấy một Liên Bang Sô Viết trong đó có cả nước Nga đã thay đổi toàn diện về chế độ cầm quyền, chế độ độc tài chuyên chính cộng sản đã tiêu diệt dòng dỏi Nga Hoàng và được liên tục cai trị bởi những lãnh đạo cộng sản đầy uy quyền như Lenin, Stalin, Khrushchev, Gorbachev. Trong lúc Liên Bang Sô Viết có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú và một tầng lớp trí thức có trình độ nhưng những người lãnh đạo đã theo đuổi lý thuyết cộng sản đầy sai lầm nên đã thất bại trong việc vận dụng nguồn tài nguyên cho việc canh tân đất nước để mang lại phồn vinh và hạnh phúc cho dân, dẫn đến sự phá sản của Liên Bang Sô Viết và sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản ở Đông Âu. Cho đến hôm nay đất nước Nga vẫn bị trì trệ về kinh tế vì chính quyền bị các nhóm mafia tung hoành lũng đoạn và tham nhũng tràn lan.
Song song với Nga, ở Mỹ Châu, vào cuối thế kỷ 18, George Washington đã tạo dựng cho nước Mỹ mới phôi thai một nền móng vững chãi dựa trên nền dân chủ pháp trị và sự tôn trọng quyền tự do cá nhân sau khi chiến thắng trong cuộc chiến giành độc lập từ vương quốc Anh. Thay vì trở lại theo chế độ quân chủ chuyên chế, ông đã vận dụng và phát huy quyền tự do cá nhân và quyền tư hữu, khai phóng , phát triển đất nước, ngày càng thịnh vượng và mở rộng bờ cỏi theo đường lối liên bang. Những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tiếp tục sự nghiệp của George Washington, đưa Mỹ đến địa vị siêu cường.

Gần đây hơn, khi đế quốc Ottoman to lớn bị bại trận và tan rã sau trận thế giới đại chiến lần thứ nhất, Mustafa Kemel Ataturk đã lập chính phủ lâm thời ở Ankara và lãnh đạo phong trào quốc gia chiến đấu giành độc lập cho Thổ Nhỉ Kỳ từ phía Đồng Minh. Sau khi giành được độc lập, Ataturk tiến hành chương trình cải cách chính trị, kinh tế, văn hoá, tôn giáo và xã hội. Sự lãnh đạo sáng suốt và tầm nhìn xa của Ataturk đã biến đổi Thổ Nhĩ Kỳ thành một quốc gia thống nhất văn minh, tân tiến và dân chủ.
Tại Nhật, vào thế kỷ 19, dưới sự lãnh đạo thức thời của Nhật hoàng Mursuhito, ông đã nhanh chóng canh tân nước Nhật từ một nước lạc hậu trở thành tiên tiến ngang hàng với các nước Tây Phương. Nhưng vẫn mang tư tưởng đế quốc bành trướng bá quyền mù quáng, Nhật Hoàng kế vị Hirohito đã cùng phát xít Đức gây ra trận Thế giới Đại Chiến lần thứ hai. Kết quả Nhật bị bại trận và cả nước Nhật bì tàn phá nặng nề, đưa toàn dân vào nghèo đói và kinh tế kiệt quệ. Sau đó chính Hirohito đã anh dũng chấp nhận sai lầm và nhanh chóng lèo lái đưa Nhật vượt qua khó khăn và phục hồi hoàn toàn nền kinh tế và đưa nền kinh tế Nhật tiến lên ngang hàng với Hoa Kỳ và các nước Tây Âu trong khi đó truyền thống văn hóa lâu đời của dân Nhật vẫn được tiếp tục gìn giữ và phát huy .

Ở Trung Hoa, vào đầu thế kỷ 19, phản ứng yếu ớt của vua triều Thanh đối với những sự xâm lấn của các nước Âu Châu đưa đến sự tan rả của triều đại nhà Thanh vào năm 1912 và đưa Trung Quốc rơi vào tình trạng sứ quân trong thời gian dài mà cuối cùng đã kết thúc với sự chiến thắng của Mao Trạch Đông và đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1949. Sự lãnh đạo sai lầm của Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Hoa đã đưa Trung Quốc vào một cơn đói khủng khiếp vào những năm 1959-1961, làm cho khoảng 26 triệu người Hoa chết đói. Đặng Tiểu Bình lãnh đạo khá hơn. Ông ta đã mở cửa Trung Hoa du nhập kỷ thuật và đầu tư của phương Tây. Do đó kinh tế, quân sự của Trung Quốc được cải tiến và phát triển đáng kể từ những năm 1970. Nhưng Trung Quốc vẫn bị cai tri theo chế độ chính trị độc tài chuyên chính nên sự phát triển về kinh tế không được đồng bộ, không có tôn trọng nhân quyền, nhà nước đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng moị giá kể cả sản xuất hàng giả, không quan tâm đến ô nhiễm môi trường, sản xuất thưc phẩm không theo tiêu chuẩn, làm di hại khôn cùng cho cả chính người dân Trung Quốc và dân chúng của các nước khác trên thế giới, và cuối cùng chỉ mang lợi cho một thiểu số có uy quyền trong khi đó tuyệt đại đa số người dân Trung Quốc bị bóc lột thậm tệ. Những năm gần đây, giới lãnh đạo Trung Quốc, dựa vào thế lực kinh tế và quân sự lại tỏ ra hiếu chiến, lộ rõ ý định muốn bành trướng bá quyền với những nước láng giềng ở vùng Thái Bình Dương. Những nhà kinh tế và quân sự quốc tế và cả ở Trung Hoa đều tiên đoán theo đà này trong tương lai sẽ có xáo trộn vì đụng chạm đến siêu cường Mỹ, và những gì đạt được về vật chất sẽ bị hũy hoại do sai lầm cơ bản này của lãnh đạo Trung Quốc.
Mở rộng tầm nhìn sang bên Phi Châu, trong nhiều năm Nam Phi đã không thể phát triển tuy nước này cũng có nhiều tài nguyên thiên nhiên và lãnh thổ rộng lớn vì bị quốc tế phong tỏa do chế độ phân biệt chủng tộc của nước này, gây vô vàn đau khổ cho người dân da màu mà đặc biệt là người da đen bản xứ chiếm đa số. Một sự kiện thay đối lịch sử đã xảy ra vào tháng Hai 1990, khi Tổng Thống FW De Klerk quyết định trả tự do cho ông Nelson Mandela, người đấu tranhda đen can trường của Nam Phi, sau 26 năm bị giam cầm. Phần ông Mandela, sau khi được tự do và lên nắm quyền, ông đã bỏ qua bên lời kêu gọi đòi hỏi “công lý” và “báo thù” từ phe tả Đảng Quốc Gia Phi Châu (African National Congress) do ông lãnh đạo.

Hành động dũng cảm và nhìn xa thấy rộng của De Klerk và tiếp theo với hành động không kém quan trọng và quảng đại của Mandela, thực sự hòa hợp và hòa giãi giửa dân chúng khác màu da thay vì trả thù và xử tội. Hành động của hai nhà lãnh đạo De Klerk và Mandela đã bảo vệ nhiều sinh mạng và tránh được những thiệt hại vô cùng to lớn cho Nam Phi nếu cuộc nội chiến giửa dân chúng khác màu da xảy ra, và nhanh chóng đưa Nam Phi hội nhập vào cộng đồng tiến bộ của thế giới, đưa nền kinh tế của Nam Phi phát triển vững chắc tránh được những sai lầm mà các nước khác như Nga,Trung Quốc và Việt Nam phải trãi qua. Ông De Clerk đã phát biểu: "Nếu chúng ta không thay đổi như chúng ta đã làm, Nam Phi có lẽ bị cô lập hoàn toàn. Dân chúng trên thế giới có thể hợp lại lật đổ chính phủ này. Nền kinh tế sẽ không tồn tại - chúng ta không thể xuất cảng đến một thùng rượu nho và phi cơ Nam Phi không được phép hạ cánh bất kỳ nơi nào. Trong nước sẽ xảy ra hổn loạn của cuộc nội chiến".
Sau khi xem qua các dữ kiện mà người lãnh đạo của các nước tiêu biểu ảnh hưởng quyết định đến tương lai của đất nước, chúng ta nghiên cứu xem những người lãnh đạo của Việt Nam trong thời kỳ cận đại là thuộc phong cách nào. Hồ Chí Minh đã dùng lòng yêu nước nhiệt tình của dân Việt Nam trong thời kỳ thập niên 1940 và đã thành công trong cuộc đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp vào năm 1954. Không bằng lòng với việc cai tri phân nửa quốc gia theo chế độ độc tài cộng sản, ông ta dấy lên cuộc chiến tại miền Nam với chiêu bài giãi phóng để đưa cả nước dưới sự cai trị của chế độ cộng sản. Ông qua đời vào năm 1969. Với sự tiếp tay của Trung Quốc, Sô Viết và những nước trong khối cộng sản thế giới, những người lãnh đạo kế tiếp ông Hồ Chí Minh đã tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lấn miền Nam, và ý đồ của họ cuối cùng đã thành công với vô vàn thiệt hại về sinh linh, nhưng mù quáng theo chủ nghĩa vô sản cộng sản đưa đất nước vào con đường phá sản nghèo đói lầm than cho đến hôm nay.
Thay vì làm như Mandela đã làm cho Nam Phi - thực hiện hòa hợp hòa giãi và tôn trọng nền kinh tế thị trường tự do đang tồn tại và phát triển tại miền Nam, những người lãnh đạo cộng sản tàn bạo và bất tài thi hành chính sách thù hận và báo thù, đưa đến việc hàng trăm ngàn nhân viên và binh lính của miền Nam bị đưa vô nhiều nhà giam khổ sai trên cùng khắp đất nước được gọi với mỹ danh "trại học tập cải tạo" gây ra hàng chục ngàn người chết dần chết mòn trong đói khổ bệnh tật.
Họ đã mù quáng mang đường lối kinh tế vô sản tập trung áp dụng tại miền Bắc áp đặt tại miền Nam. Thay vì phát huy kinh tế cá thể tôn trọng tư hữu, lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam tịch thu các cơ sở công kỹ nghệ, cướp đoạt tài sản của đại đa số người dân, làm cho kinh tế cả nước suy xụp, đem đến sự cùng cực đói khổ cho toàn dân, và gây ra làn sóng ngưới dân miền Nam liều mình băng rừng vượt biển tỵ nạn tìm tự do trên những chiếc thuyền mong manh, gây thêm hàng trăm ngàn người dân vô tội chết oan, làm rúng động lương tâm toàn thế giới. Lãnh đạo cộng sản việt Nam tiếp tục phục tòng thế lực cộng sản quốc tế. Hiện nay đảng cộng sản Việt Nam đang chịu sự phục tùng với cộng sản Trung Quốc qua các việc làm bị toàn dân lên án gồm việc nhượng đất giao biển đảo cho cộng sản Tàu, giao hiến đất đai tài nguyên khoáng sản cho các công ty bình phong của nhà nước Trung Quốc qua hình thức cho thuê sử dụng và khai thác dài hạn chỉ vì quyền lợi cá nhân và bè đảng. Việc làm tán tận của lãnh đạo đảng cộng sản trong thời gian qua đang làm cho đất nước bị suy vong và có nguy cơ mất nước vào tay bá quyền Trung quốc.

Trước mối nguy mất nước vào tay bá quyền Trung Quốc do hành động sai trái nghiêm trọng của lãnh đạo đảng cộng sản, chính một vi nhà tu hành, linh mục Nguyễn Văn Lý, phải đứng ra phát lời kêu gọi toàn dân kể cả cán bộ nhân viên và quân đội hãy giành lại quyền tự quyết và giãi thể chế độ cộng sản, phục hồi quyền tự do chân chính của cá nhân nhằm cứu đất nước thoát khỏi họa mất nước vào tay bá quyền Trung Quốc.
Đảng cộng sản Việt Nam sắp sửa mở đại hội đảng lần thứ 11 vào tháng giêng 2011, lúc đó một người lãnh đạo mới sẽ được đưa lên và đường lối mới được áp dụng. Chúng ta đang nóng lòng và mong đợi một hay một nhómngười lãnh đạo yêu nước thật sự có đủ hùng tâm, có tầm nhìn sâu rộng, đưa ra các chánh sách và đường lối sáng suốt vì tiền đồ của tổ quốc và dân tộc để đưa Việt Nam vào đúng con đường vì dân tộc và thực sự giãi phóng toàn dân, phục hồi đầy đủ quyền tự do cho toàn dân, đưa đất nước sánh vai cùng năm châu và thoát khỏi gọng kềm của bá quyền Trung Cộng.
Mẩu mực của người lãnh đạo sau đại hội đảng lần này nên theo mẩu mực của các quốc gia tự do dân chủ như Úc, Tân Tây Lan, Nhật, Mỹ, Ấn Độ và những nước phương Tây khác. Lãnh đạo mới cần học được lòng yêu nước thương dân của Mandela, có hùng tâm xóa cựu lập tân như Gorbachev, vun đắp và phát huy quyền tự do cá nhân như Washington.
Ngày 01 tháng 01 năm 2011
Ngô Khoa Bá, Lê Quang Long, Nguyễn Hùng

No comments:

Post a Comment